Các vật dụng cần thiết khi chạy địa hình
So với chạy road (đường nhựa, đường bê tông), chạy địa hình rất khác biệt cả về kĩ năng lẫn trang thiết bị mang theo. Do địa hình phức tạp, không ổn định như đường nhựa nên người chạy cần phải có các đồ hỗ trợ đi kèm để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tránh được những chấn thương không đáng có.
Giày chạy địa hình (Giày trail)
Giày chạy là “đồ chơi” đi kèm đầu tiên khi nhắc tới chạy địa hình. Đường chạy trail có thể có địa hình đa dạng, hình thái khác nhau: đất, đá, bùn ướt, suối, đèo, dốc v.v… đòi hỏi bạn có những đôi giày chuyên dụng. Với những nơi có địa hình tương đối bằng phẳng và đơn giản, bạn có thể sử dụng một đôi giày road thông thường nhưng tuổi thọ của giày sẽ giảm do giày không có chức năng hỗ trợ chạy địa hình. Với những nơi có địa hình phức tạp hơn (núi đá, đường rừng, nơi lầy lội...), việc sử dụng giày road sẽ không đảm bảo an toàn cho bạn do độ bám đường của giày road sẽ kém hơn nhiều so với giày chạy địa hình chuyên dụng.
Giày chạy địa hình rất đa dạng
Mỗi loại địa hình khác nhau đòi hỏi mẫu giày chạy địa hình khác nhau: đất mềm, đất cứng, đá to trơn, đá nhỏ vụn, đá sắc nhọn, v.v…Hãy đọc kĩ khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc xin tư vấn từ những người có kinh nghiệm để có đôi giày chạy địa hình phù hợp.
Chạy trail phức tạp đòi hỏi phải có giày riêng cho chạy địa hình, hạn chế giày road (Ảnh: Vietnam Mountain Marathon)
Các thương hiệu giày trail phổ biến: Salomon (hiện có đại lý phân phối chính thức tại Việt Nam), Merrell, Asics, Saucony, Brooks, Inov, Pearl Izumi, New Balance...
Tất/vớ
Khi chạy ở nơi có nhiều bụi rậm, môi trường ẩm ướt, thiếu ánh sáng, các loài bò sát, côn trùng như rắn, rết, vắt... tấn công, làm phiền là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, bạn cần bao bọc kín chân, không để hở da, tránh động vật lạ cắn, đốt.
Có thể hậu quả mà chúng gây ra không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu vì mẩn ngứa, dị ứng thậm chí là mất máu, không thể tập trung sức lực và tinh thần hoàn toàn vào buổi chạy.
Sử dụng tất bó, dài tới gối để tránh động vật bò sát, côn trùng, bảo vệ đôi chân (Ảnh: VMM)
Bạn nên đi tất dài tới gần đầu gối nếu điều kiện cho phép, hoặc chí ít tất phải che kín mắt cá chân.
Các thương hiệu tất: Asics, Drymax, Thorlo, Saucony, Feetures, 2XU…
Quần áo
Sau giày, quần áo là đồ cơ bản nhất mà bạn cần phải trang bị. Khi chạy, bạn không tránh khỏi hiện tượng trầy xước da (chafing) do quá trình cọ sát liên tục giữa da và lớp vải. Bên cạnh khả năng thoát mồ hôi và làm mát tốt, bộ quần áo bạn mặc nên bó sát cơ thể (compression) để tránh các con côn trùng tiếp xúc với làn da thông qua các kẽ hở.
Một chiếc áo bó sát (compression)
Áo nên có cổ cao, ít nhất che kín hết vai bởi khi bạn đeo balo (vest) nước sau lưng, quai đeo sẽ xê dịch, cọ xát vào vai, cổ gây trầy xước da. Nếu trời lạnh, một bộ quần áo bó sát người sẽ giúp bạn giữ ấm cơ thể tốt hơn.
Sử dụng áo (quần) bó, cổ cao che kín vai để tránh trầy xước (Ảnh: VMM)
Dưới lực tác dụng trực tiếp lên các cơ vừa vận động, quần áo bó có hiệu quả như một chiếc máy massage, giảm đau nhức cơ. Theo một nghiên cứu, nếu bạn tiếp tục mặc đồ bó trong vài giờ sau khi kết thúc chạy, vết sưng hay các cơn đau sẽ được thuyên giảm đáng kể.
Một số thương hiệu nổi tiếng: Nike, Adidas, 2XU, Under Amour...
Balo đựng nước (running vest)
Khác với chạy trong thành phố, nơi tập trung đông dân cư, bạn có thể dễ dàng mua lương thực, thực phẩm, đồ uống trong quá trình chạy. Chạy trail trong khu rừng heo hút, xa khu dân cư, bạn bắt buộc phải mang theo running vest để đựng đồ ăn, thức uống chưa kể các vật dụng lúc khẩn cấp khác như điện thoại, túi y tế v.v...
Hình dáng một số loại running vest thông dụng
Thông thường, running vest được các nhà sản xuất thiết kế hợp lý dựa trên tính toán tối ưu nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho người chạy (có thể chứa được nhiều đồ mà vẫn chạy thoải mái). Bạn nên chọn chiếc vest có kích thước phù hợp với cơ thể của bạn, có khả năng chứa lượng nước vừa đủ cho quãng đường mà bạn định chạy, cho đến khi đến trạm tiếp tế gần nhất. Balo càng ôm gọn càng tốt.
Vest đựng nước (và nhu yếu phẩm khác) không thể thiếu khi chạy trail trong rừng, nơi điều kiện tiếp tế hạn chế (Ảnh: Thanh Phong)
Như vậy, bước chạy của bạn không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sức nặng của chiếc vest đựng nước và đồ ăn sau lưng. Vest càng cồng kềnh, bạn càng khó chạy và nhanh mệt. Nó sẽ khiến bạn bị lệch trọng tâm, mất thăng bằng khi chạy dẫn đến mất sức, dễ ngã và chấn thương.
Một số thương hiệu phổ biến: Salomon, Quechua, Kalenji, Nathan...
Đồng hồ/Thiết bị định vị GPS
Hiện nay, điện thoại thông minh cài ứng dụng theo dõi chạy bộ cũng có thể giúp bạn ghi lại thông tin quá trình chạy, quãng đường, vận tốc, thời gian... thậm chí là dò đường theo tuyến đường (route) có sẵn. Tuy nhiên, đồng hồ GPS vẫn đem lại sự tiện lợi hơn cho bạn bởi sự gọn nhẹ, khả năng chống nước cũng như độ chính xác của thông tin ghi nhận.
Đồng hồ thường bắt tín hiệu định vị vệ tinh GPS tốt hơn, ổn định hơn so với điện thoại trong môi trường tín hiệu kém và điều kiện tự nhiên không thuận lợi.
Đồng hồ GPS đeo tay gọn nhẹ giúp bạn theo dõi, điều chỉnh nhịp điệu chạy của mình (Ảnh: VMM)
Một số thương hiệu phổ biến: Polar, Garmin, Suunto,...
Mũ
Có rất nhiều cách để che đầu phòng khi nắng mưa. Một chiếc mũ vải rộng vành hay mũ lưỡi trai có thể giúp bạn tránh được nắng cũng như hạn chế côn trùng tấn công từ phía trên cao. Ngoài ra, bạn có thể mua một chiếc khăn đa năng để có thể vừa sử dụng để che đầu, vừa dùng làm khăn mặt, khăn quàng cổ, khẩu trang…
Dùng mũ có vải che gáy hoặc mũ rộng vành để chống nắng, chống côn trùng (Ảnh: Thanh Phong)
Một số thương hiệu: North Face, Columbia, Ktom...
Đèn pin
Nếu bạn phải chạy trong điều kiện thiếu ánh sáng (rạng sáng hay lúc chạng vạng tối) thì đèn pin là vật bạn cần phải mang theo. Đèn pin có dây đeo trên đầu, tiện cho người chạy khỏi bị vướng tay.
Một chiếc đèn pin đeo đầu (head lamp) nhỏ gọn
Trong một số giải chạy, BTC bắt buộc người tham gia phải trang bị đèn pin để đảm bảo an toàn, nếu không VĐV sẽ bị phạt hoặc thậm chí không cho tham gia.
Khi chạy trong điều kiện không có ánh sáng, bạn bắt buộc phải có đèn pin (Ảnh: VET)
Một số thương hiệu nổi tiếng: Fenix, Black Diamond, Led Lenser, Petzl...
Gậy
Tùy địa hình có nhiều hay ít dốc để bạn quyết định có mang theo gậy hay không. Gậy sẽ là người bạn đắc lực hỗ trợ bạn khi leo dốc cũng như khi đổ dốc, giúp đầu gối của bạn giảm tải khỏi sức nặng của cơ thể. Sau một quãng đường dài, sức lực bạn đã bị bào mòn đáng kể, đầu gối càng mỏi.
Các loại gậy được thiết kế có thể gấp gọn lại để cầm tay hoặc cho vào balo
Để có thể sử dụng gậy tốt khi chạy giải, bạn cần phải tập làm quen với gậy để sử dụng thuần thục với nó bởi nếu không sử dụng quen, gậy sẽ trở thành gánh nặng khi bạn phải mang theo nó suốt hành trình dài.
Gậy sẽ trợ lực cho bạn khi phải vượt qua những con dốc như thế này (Ảnh: Thanh Phong)
Một số thương hiệu nổi tiếng: Black Diamond, Leki
Còi
Bạn cần mang còi để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp: đau chân, chấn thương không chạy được, lạc đường...cần gọi sự hỗ trợ từ người khác.
Một số đồ vật khác bạn có thể cần phải mang:
Áo khoác nhẹ chống nước
Một chiếc áo khoác mỏng chống nước giúp bạn không bị ngấm lạnh khi trời mưa.
Áo siêu nhẹ chống nước hiện có bán rất nhiều trên thị trường
Giải Vietnam Mountain Marathon hầu như năm nào cũng đều có mưa trong ngày diễn ra cuộc thi.
Áo khoác mỏng chống nước giúp bạn giữ nhiệt trong cơn mưa (Ảnh: Thanh Phong)
Kính
Một chiếc kính râm sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu khi phải chạy giữa trời nắng. Bạn hãy chọn loại kính có khả năng bảo vệ tia cực tím hoặc một chiếc kính trắng để nhìn đường khi trời tối. Kính che kín hết mắt thì càng tốt để tránh côn trùng có thể bay vào mắt bạn.
Nếu không thể mang 2 chiếc kính (kính râm, kính trắng) thì hãy ưu tiên chọn kính sáng màu để bạn dễ nhìn đường đi trong đêm tối nếu bạn dự đoán bạn phải chạy muộn như vậy.
Chiếc kính giúp bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi ánh nắng chiếu trực tiếp cũng như côn trùng (Ảnh: VMM)